Tiểu sử cụ Nguyễn Thông

Cuộc đời và sự nghiệp

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP NGUYỄN THÔNG

  1. CUỘC ĐỜI

 

Nguyễn Thông tên thật là Nguyễn Thới Thông, tên chữ là Hy Phần, hiệu là Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am, quê Thôn Bình Thạnh-Tổng Thạnh Hội Hạ-huyện Tân Thạnh-Phủ Tân An (nay là ấp Bình Trị II, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Ông sinh ngày 28/5 năm Đinh Hợi tức ngày 21/7/1827 trong một gia đình nhà Nho nghèo. Thời niên thiếu, ông còn có tên là Thiệu nổi tiếng thông minh. Năm 18 tuổi (1845), ông được gia đình gửi ra Thừa Thiên để có điều kiện học tốt hơn.

Năm 22 tuổi (1849), ông thi Hương đỗ cử nhân, khi đi thi Hội, bài ông rất tốt nhưng vấy mực bị quan trường đánh hỏng. Năm 1851, Nguyễn Thông giữ chức Huấn đạo Phú Phong (An Giang). Năm 1856, ông về Huế làm việc ở nội các, biên soạn sách “Nhân sự kiêm giám”, giữ chức hàn lâm viện tu soạn. Ngày 17/2/1859, sau khi Pháp đánh chiếm Gia Định, triều đình Tự Đức bất lực hèn hạ, Nguyễn Thông đau đớn vô cùng, xin vào quân ngũ để có cơ hội trực tiếp đánh giặc giữ nước. Ông nhanh chóng trở thành một trợ thủ đắc lực của Thống đốc quân vụ Tôn Thất Thiệp.

Năm 1861, Đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Thông được thăng từ Vệ úy lên Chưởng vệ sung chức Phó đề đốc về quê cùng Trương Định chống giặc. Sau đó ông cùng Phan Văn Đạt hoạt động cho đến khi Phan Văn Đạt bị bắt và bị giết. Năm 1862, triều đình Huế cắt 3 tỉnh miền đông cho Pháp, dấn thêm một bước vào con đường bán nước, cùng với một số sĩ phu yêu nước, ông đem gia đình định cư ở Phan Thiết. Cuối năm 1867, Nguyễn Thông giữ chức Án sát Khánh Hòa. Năm 1870, ông làm biện lý bộ hình rồi bố chánh Quãng Ngãi, được mọi người kính yêu coi ông như là vị cứu tinh. Năm 1876, ông về Huế giữ chức Tư nghiệp Quốc tử giám và tham dự khảo duyệt bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Năm 1877, ông được cử về Bình Thuận giữ chức Doanh điền sứ. Đến năm 1880, Nguyễn Thông được cử làm Phó sứ điền nông kiêm đốc học Bình Thuận.

Năm 1883, khi ra Huế thọ tang Tự Đức rồi trở về ngày 7/7 năm Giáp Thìn tức ngày 27/8/1884, Nguyễn Thông đau nặng rồi mất giữa sự thương tiếc của gia đình, bè bạn và nhân dân miền Nam. Ngày ấy ông thọ 57 tuổi.

Về mặt trước tác ông để lại:

  • Kỳ Xuyên văn sao
  • Kỳ Xuyên công độc
  • Ngọa du sào văn tập
  • Việt sử cương giám khảo lược

Theo Cao Tự Thanh, trong nghiên cứu lịch sử số 211, Nguyễn Thông còn là tác giả sách Kỳ Xuyên thi sao mới tìm thấy ở miền Nam.

  1. SỰ NGHIỆP
  1. Nguyễn Thông là một người yêu nước thương dân

Sự nghiệp này quán xuyến gần như hết cuộc đời của ông. Ông là một trong người đứng lên tự nguyện đánh Pháp sau khi Pháp nổ súng xâm lược Sài Gòn. Trong thơ ông viết: “Nhân sinh trọng đại nghĩa”. “Trọng đại nghĩa” nói ở đây là trọng sự nghiệp đánh giặc giữ nước vậy. Trong Kỳ Xuyên văn sao, ông đã giành cả quyển II để viết Phan Văn Đạt truyện, Trương Định truyện, Hồ Huấn Nghiệp truyện nhằm ca ngợi gương hi sinh anh dũng, ý chí bất khuất chống kẻ thù của những anh hùng nghĩa sĩ đã đứng lên đánh Pháp xâm lược.

Nguyễn Thông vừa nồng nàn yêu nước vừa tha thiết thương dân. Trong cuộc đời làm quan dù bất cứ nơi nào, ông đều không tiếc sức làm những việc mang lại lợi ích cho dân. Đáng kể nhất là thái độ của ông khi lên tiếng bảo vệ dân trong vụ quyên tiền mua phẩm tước ở Quãng Ngãi năm 1872. Lúc ấy Nguyễn Thông đang làm bố chánh Quãng Ngãi, sau khi nghiên cứu kĩ đầu đuôi vụ án, ông tuyên bố: “Trong vụ này chỉ có vua và quan là nói dối dân, chớ không nói dối ai hết”. Nguyễn Thông đã nói đúng sự thật mà người khác không dám nói cho dù chính điều đó đã làm ông bị cách chức và bị xử trượng. Những việc trên nói lên rằng Nguyễn Thông là người biết thương dân, dũng cảm bảo vệ dân, vạch tội triều đình (một điều hiếm thấy ở quan lại phong kiến vào thời ấy).

  1. Nguyễn Thông là một nhà làm công tác thủy lợi có tài

Ông là một trong những người trước đây hơn 100 năm nhìn thấy tác dụng to lớn của thủy lợi đối với nông nghiệp. Trong “Ngọa du sào văn tập”, bài tựa quyển sách về thủy lợi ở Nghĩa Châu có những câu: “Cái việc giống như vụ khoát mà thực là cần thiết, giống như thư thả mà thực là cấp bách, ấy là thủy lợi…”

Năm 1871, ông được cử đi chỉ huy công việc đào kinh Vĩnh Lợi. Năm 1872, kênh làm xong đem lại nước cho dân giữa lúc trời nắng hạn mang lại rất nhiều lợi ích nên ông đặt là kênh Vĩnh Lợi. Thời gian ở Quãng Ngãi, Nguyễn Thông còn đắp đập Đinh Gia ở huyện Bình Sơn. Sau 4 tháng lao động đập Đinh Gia hoàn thành, ông đã nói lợi ích của nó trong “Ngọa du sào văn tập”: “Cuối thu sang đông nước mưa trên núi đổ về, không chỗ nào bị xoáy, lở, úng, tắc, có đủ nước tưới ruộng cho cả ba thôn. Ngoài ra còn có các thứ củ ấu và các loại sò ốc, cá, tôm. Dân sở tại thu lợi khá nhiều”.

Nguyễn Thông rất chú trọng đến thủy lợi và tỏ ra là một nhà thủy lợi có tài. Công tác ấy được ghi lại trong quyển II, III, IV của “Kỳ Xuyên công độc”; những bài ký về đập Đồng Lợi, Đinh Gia, kinh Vĩnh Lợi đã chứng tỏ rằng ông cống hiến những thành tựu này cho dân cho nước.

  1. Nguyễn Thông là một nhà kinh tế chú ý đến trồng cây và khai khẩn đất hoang

Nguyễn Thông muốn trồng cây ở tất cả những nơi có thể trồng được. Nếu ông có đủ quyền và thì giờ hẳn ông đã phủ màu xanh lên tất cả những nơi có dịp đi qua. Ông đã dâng sớ lên triều đình nói rõ tình hình, nguyên nhân trồng cây thất bại. Ông đưa ra kế hoạch trồng cây ở hai bên đường, trong thôn xóm rồi giao trách nhiệm cho những người có điều kiện làm được. Nhưng điều làm ta đáng chú ý và khâm phục ở ông là vấn đề khai thác miền cao nguyên Tây Nam Trung bộ. Cách chúng ta hơn 100 năm, Nguyễn Thông đã nhìn thấy được một kho tài nguyên phong phú của vùng cao nguyên ấy, và đưa ra một kế hoạch khai thác với qui mô lớn. Trong “Ngọa du sào văn tập”, ông gọi là miền sơn quốc, ông viết: “Về mặt đông nam thì vùng ấy giáp với các tỉnh ở phía nam kinh thành Huế ở nước ta, không có bải xa truông rậm nguy hiểm, không bị đầm lớn sông dài ngăn cách. Từ xưa tới nay địa giới hoang vu, trời đất đang giành cho ta một kho tàng vô tận…”

Nhưng rất tiếc ý nguyện của ông không thành bởi áp lực của thực dân Pháp nên triều đình đã hủy bỏ mặc dù trước đó đã chấp nhận kế hoạch khai thác lớn của ông nhằm làm giàu cho đất nước.

  1. Nguyễn Thông là một nhà sử học có ý thức trách nhiệm cao

Năm 1876, Tự Đức giao cho Nguyễn Thông và Hoàng Dụng Tân khảo duyệt bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Đọc xong bản thảo, Nguyễn Thông đã viết tất cả các nhận xét của ông trong một quyển sách lớn mang tên “Việt sử thông giám khảo lược” gồm 7 quyển nhỏ. Hai quyển đầu viết những nhận xét về lịch sử, năm quyển sau viết những nhận xét về địa lý lịch sử. Đặc biệt ông đã viết về đảo Hoàng Sa (mà ngày nay vấn đề chủ quyền đang là thời sự ở Đông Nam Á). Ông gọi Hoàng Sa là vạn lý trường sa, ông viết: “Vạn lý trường sa thuộc đảo Lý Sơn, tỉnh Quãng Ngãi. Đi thuyền theo hướng đông chạy ra chỉ 3 ngày đêm là đến nơi. Nước Đại Việt Nam từ xưa thường chọn người đinh tráng ở hai hộ An Hải và An Vĩnh Đạt làm đội Hoàng Sa để thu lượm hải sản, mỗi năm cứ tháng 2 ra đi, tháng 8 trở về”. Nguyễn Thông nêu lên 167 điểm phải sửa chữa. Từ việc Thường Thi dâng chim trĩ trắng cho vua nhà Chu (1110) cho đến tục xâm mình được ghi trong  “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, chúng ta thấy ông tỏ ra hiểu biết sâu sắc lịch sử các nước Đông Nam Á, các ý kiến của ông đều có tài liệu cơ sở rõ ràng. Quan điểm lịch sử của ông là quan điểm của nhà trí thức yêu nước, trọng sự thật, trọng lẽ phải. Ông muốn nhà viết sử phải viết những gì ích nước lợi dân, tránh những điều mê tín dị đoan có thể làm mê hoặc dân chúng.

  1. Nguyễn Thông là một nhà giáo dục lớn

Có thể nói rằng mặt này đã quán xuyến gần suốt cả cuộc đời sự nghiệp Nguyễn Thông. Trong vòng 35 năm làm quan của cuộc đời 58 tuổi thì đã có đến gần 30 năm giữ chức học quan, trực tiếp làm công tác giáo dục. Từ khi chính thức bước vào chính trường năm 23 tuổi thì cũng là lúc ông chính thức bắt tay vào công việc giáo dục với chân Huấn đạo Phú Phong-An Giang, coi việc học của một huyện (1851). Rồi Đốc học, coi việc học ở một tỉnh, hai lần làm ở Vĩnh Long (1862) và Bình Thuận (1881). Lại một lần giữ chức Tư nghiệp Quốc tử giám – đảm đương việc học của tổ chức cao nhất và duy nhất lúc bấy giờ. Ấy là chưa kể đến lần làm khảo quan trường thi Thừa Thiên-Huế (1870) là trường trọng điểm bật nhất của kỳ thi Hương trong cả nước lúc bấy giờ. Như vậy gần như trong toàn bộ hệ thống giáo dục lúc bấy giờ ông đều có tham gia hoạt động mà ở đâu cũng đóng góp xuất sắc. Chứng cứ là sự tín nhiệm của giới trí thức rộng rãi đương thời đối với ông trong việc dời mộ Võ Trường Toản – ông thầy chung của cả Nam kỳ lục tỉnh. Rõ ràng đây là việc chung của giới sĩ phu Nam kỳ thế nhưng người đứng đầu công việc ấy lại là Nguyễn Thông. Chính Phan Thanh Giản thuật lại: “Chúng tôi bàn cùng quan đốc học Vĩnh Long là Nguyễn Thông hiệp với thân sĩ bàn việc thiên di… rồi mọi người đồng thanh cử quan học chánh Nguyễn Thông đứng làm chủ tang”. Công việc trên có tác dụng lớn lao đối với người sống đặc biệt là lớp trẻ học trò, ông thật sự là con người của giáo dục.

Khi làm đốc học Vĩnh Long, ông đã tích cực xây dựng Văn Thánh miếu Vĩnh Long và lầu tụy văn bên cạnh miếu không ngoài mục đích giáo dục. Cho đến khi được thăng làm Hàn lâm viện tu soạn, tham dự biên soạn quyển “Nhân sự kinh giám” (gương vàng soi việc người) mà ngay tựa đề đã nêu rõ mục đích giáo dục của nó.

Nguyễn Thông là một nhà giáo yêu nước vì nhân dân phục vụ, cống hiến hết những gì mình có cho dân cho nước, đặc biệt là cho các thế hệ học trò.

  1. Nguyễn Thông là một nhà thơ yêu quê hương đất nước

Nguyễn Thông nhiều lần nói đến quê hương đất nước trong thơ. Năm 1867, khi triều đình Tự Đức nhường nốt 3 tỉnh miền Tây cho Pháp, Nguyễn Thông đưa gia đình vượt biển ra định cư ở Phan Thiết, lòng ông đau đớn khi phải rời Bình Thanh-Thạnh Hội Hạ để không bao giờ được nhìn thấy mảnh đất đã chôn nhau cắt rốn.

     Xuống thuyền ruột rối tơ vò

     Giương buồm xẻ hướng đôi bờ mà đi

     Cuối thu gió lạnh thổi về

     Thương thay chiếc lá tách lìa cành xưa

(Kỳ Xuyên thi sao-Lời dịch Ca Văn Thỉnh-Bảo Định Giang)

Nỗi nhớ nhung càng da diết đối với quê hương xứ sở, tình hoài càng đậm đà sâu sắc:

     Bỏ nước Đô Lăng trào nước mắt

     Xa nhà Vương Xáng nặng lòng quê

Ông nhớ đến làng cũ, lòng luôn mơ đến làng cũ của mình:

     Tửu cuồng tiêu nhật dị

     Hương mộng đào gia nan

(Uống rượu say để quên ngày thì dễ, mộng thấy làng cũ mà trở về thì khó)

Tình yêu quê hương đất nước càng đậm đà, ông càng mong cho dân được an cư lạc nghiệp. Trông ra cảnh bảo lụt, ông ngậm ngùi:

     Vườn quế quanh đồi nay hóa bãi

     Ruộng đồng ven biển đã thành ao

Ông thương xót dân nghèo bao nhiêu thì cũng căm ghét lũ quan lại tham ô bấy nhiêu. Ông đã gửi gấm trong bài “Phú nghĩa trủng”. Tạm dịch:

     Kìa xương khô mà còn thu lượm

Sao kẻ sống lại bị bỏ rơi

     Lũ quan lại tha hồ tàn bạo

     Để béo mình hút hết máu người

     Tay đưa thoi mà thân rét cóng

     Chân đi bừa mà bụng đói hoài

     Tuy hơi thở vẫn còn thoi thóp

     Mà khác nào đã xuống tuyền đài

Mỗi chữ như từng giọt nước mắt, mà cũng là giọt máu rỉ từ trái tim tác giả.

THAY LỜI KẾT

Chúng ta tự hào rằng mảnh đất hai con sông Vàm Cỏ trong quá khứ đã sinh ra ít nhất hai bậc kì tài: Vàm Cỏ Đông-Nhật Tảo có võ tướng Nguyễn Trung Trực; Vàm Cỏ Tây-Kì Son có sĩ phu Nguyễn Thông. “Địa linh sinh nhân kiệt” chính mảnh đất này đã hun đúc trong ông một tinh thần “trượng phu chí khí”, bao truyền thống tốt đẹp nơi đây đã cho ông một tấm lòng nhân nghĩa chói ngời. Ông xứng đáng là một sĩ phu đáng kính trọng mà tấm lòng yêu nước thương dân đã thể hiện một cách trọn vẹn nhất trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động nửa cuối thế kỉ XIX.

Nguyễn Thông đã an nghỉ vĩnh viễn với tiếng chim hót, gió reo trên núi Cố, với tiếng sóng vỗ âm vang bên bờ biển đông, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi là tấm gương sáng cho hậu thế./.

 

Thống kê
  • Đang online: 2.654
  • Hôm nay: 50
  • Hôm qua: 329
  • Tất cả: 476.783